16 Apr 2013

♔♔...vì sao nên chụp chân dung với Canon EOS 5D Mark II và Canon 24-70mm2.8L và Canon 70-200/2.8L





















*(Bài viết trích từ blog của nhiếp ảnh gia Lâm Trần)


Hôm nay tôi sẽ khởi động lại phần “viết lách” của mình với bài viết đánh giá về 2 cái ống kính tôi đang sử dụng thường xuyên nhất: Canon 24-70mm2.8L và Canon 70-200/2.8L. Tôi xin mạn phép không nói quá sâu về các phần đánh giá kỹ thuật với những con số và bảng biểu tẻ nhạt mà tôi chỉ chia sẻ chính kinh nghiệm của bản thân tôi khi sử dụng 2 ống kính này.

Có lẽ các bạn sẽ thắc mắc tại sao lại là 2 ống kính này? Mà không phải là những ống kính “đỉnh” khác như 85mm/1.2L II hay 50/1.2L , 35/1.4L…
Vậy thì xin thưa với các bạn, bởi vì tôi là 1 người chụp ảnh chuyên nghiệp với mục đích chụp ảnh thương mại và thời trang là chính cho nên đây là 2 khoảng tiêu cự cực kỳ cần thiết để hỗ trợ cho công việc của tôi, nhất là khi tôi có những nhu cầu chụp trong studio.


Canon 5D Mark II + Canon 70-200mm/2.8. Chụp tại 95mm f/6.3 1/160s

Vậy tại sao tôi lại chọn ống kính zoom để chụp trong studio mà không phải ống kính fix (prime lens).
ống kính fix, như các bạn đã biết, tiêu chí mà chúng ta lựa chọn ống kính fix để sử dụng chính là khả năng mở khẩu độ lớn để cho ánh sáng đi vào nhiều hơn, lợi thế cho các trường hợp lấy nét nhanh và chụp trong điều kiện thiếu sáng. Ngoài ra, với 1 số người chơi ảnh, khi đã đến 1 “level” nhất định nào đó, họ liền rũ bỏ những chiếc ống kính zoom đã gắn bó với họ từ thuở mới tập tễnh, để “nâng cấp” lên những chiếc ống kính fix đắt tiền. Một khi đã dùng ống kính fix, họ không còn quan tâm nhiều đến việc vặn vòng zoom để chọn 1 tiêu cự thích hợp cho bố cục của tấm ảnh, mà họ chỉ có cách xác định bố cục của tấm ảnh bằng cách ước lượng khoảng cách từ … chân đến đối tượng mà thôi (hay nói nôm na là khi dùng ống kính fix thì chỉ có cách zoom bằng chân).

Vậy thì nên chăng sử dụng ống kính fix trong studio? Theo kinh nghiệm của chính bản thân tôi, thì KHÔNG nên sử dụng ống kính fix trong studio.

Thứ nhất, do hạn chế về sự cố định của tiêu cự nên bạn khó có thể làm chủ được bố cục của tấm ảnh nếu studio của bạn bị hạn chế về diện tích. Thứ hai, hầu hết đèn flash sử dụng trong studio đều có công suất rất lớn nên khả năng mở khẩu lớn của ống kính fix không được tận dụng triệt để. Vì vậy, lựa chọn tốt nhất cho ống kính sử dụng trong studio của tôi là 2 chiếc ống kính Canon EF 24-70/2.8L và 70-200/2.8L, giúp tôi thực hiện dải tiêu cự khá rộng, từ 24mm cho đến 200mm, đủ cho tất cả các mục đích chụp khác nhau trong studio, từ chụp nhóm (group shot), chân dung (portrait), thời trang (fashion), người mẫu (beauty) cho đến chụp sản phẩm (product)…


Canon 5D Mark II + Canon 24-70mm/2.8. Chụp tại 70mm, f/9, 1/200s, ISO 320

Hiện tại, studio của tôi sử dụng chủ yếu là các đèn flash công suất 400Ws – 600Ws vì vậy hầu như ở ISO100 thì khẩu độ (aperture) mà tôi sử dụng dao động từ f5.6 đến f8 +/-0.7EV. Đây là độ mở khẩu độ (aperture) khá an toàn để cho chất lượng hình ảnh có độ nét cao, nhất là đối với ống kính 24-70mm/2.8 khi hầu hết mọi người đều biết nếu chụp ở khẩu độ f2.8, độ nét của hình sẽ không thật sự nét căng. Và với yêu cầu chất lượng hình ảnh của khách hàng, tôi luôn phải đảm bảo được sự sắc nét và chi tiết trong mỗi tấm hình khi giao cho khách.


Canon 5D Mark II + Canon EF 24-70mm/2.8. Chụp tại 51mm, f/7.1, 1/200s, ISO 125

• Canon EF 24-70mm/2.8L

Tôi sử dụng ống kính này nhiều nhất cho ảnh chụp toàn thân từ 2 người trở lên, thậm chí tôi cũng sử dụng nó để chụp ảnh toàn thân cho 1 model trong các buổi chụp thời trang. Dĩ nhiên tuy tôi có thể zoom từ 24mm cho đến 70mm nhưng tôi chẳng bao giờ chụp ở tiêu cự dưới 35mm khi chụp trong studio cả. Luôn luôn ít nhất là từ tiêu cự 50mm trở lên mới “an toàn” khi sử dụng trong studio.

Tại sao lại có hạn chế về tiêu cự như vậy?Bởi vì chắc chắn rằng bạn không muốn “dính” tất cả những thứ như trục cuốn phông, chân đèn… vào trong tấm ảnh của bạn khi bạn mở tiêu cự ở góc wide dưới 35mm. Bạn có thể sử dụng photoshop để xoá những thứ đó đi khi xử lí hậu kỳ nhưng nếu bạn muốn chụp “một phát ăn ngay” thì tốt nhất không sử dụng tiêu cự wide khi chụp trong studio.


Canon 5D Mark II + Canon EF 24-70mm/2.8. Chụp tại 62mm f/7.1, 1/200s, ISO100

Ngoài ra khi dùng tiêu cự wide dưới 35mm thì hình ảnh của bạn bị trường hợp disort (méo ở các góc), hoàn toàn không đẹp đối với ảnh chụp người. Tuy nhiên bạn cũng có thể tận dụng tiêu cự từ 35mm đến 50mm để chụp ở góc thấp tạo hiệu ứng “kéo dài chân” đối với những model chân không được dài lắm. Ngoài ra, phần lớn tôi chụp từ tiêu cự 50mm đến 70mm.

• Canon EF 70-200/2.8L

Đây là 1 trong những ống kính tele cao cấp nhưng phổ thông nhất của Canon mà tôi đặc biệt khuyên các bạn nên có 1 cái. Ống kính khá nặng, với phiên bản non-IS như cái mà tôi đang xài thì cũng đã nặng 1.3kg rồi. Vì vậy khi sử dụng ống kính này để chụp ngoài trời, phần lớn mọi người chụp ở tốc độ 1/250 trở lên để tránh bị tình trạng rung tay khiến ảnh bị nhoè. Thậm chí nhiều người còn chọn lựa mua phiên bản IS với tính năng trang bị motor chống rung trong ống kính để hạn chế tình trạng rung tay và có thể chụp ở tốc độ từ 1/60 đến 1/160 hoặc thậm chí là 1/30 nếu bạn tin vào khả năng nín thở giữ chắc tay của bạn.

Nhưng tôi chọn lựa phiên bản non-IS vì phần lớn nhu cầu dùng ống kính EF 70-200/2.8L của tôi là trong studio. Và khi sử dụng để chụp ngoại cảnh thì đơn giản, tôi chỉ cần nâng ISO lên để luôn đảm bảo tốc độ màn trập cao.


Canon 5D Mark II + Canon 70-200mm/2.8. Chụp tại 78mm f/6.3, 1/160s, ISO250

Nhưng có lẽ các bạn sẽ thắc mắc, đối với flash sync speed (tốc độ ăn đèn) khi chụp trong studio chỉ có thể chụp nhanh nhất là 1/200 đến 1/250 mà thậm chí tôi thường xuyên chụp ở 1/160 vậy thì có đảm bảo hình ảnh không bị nhoè vì rung tay?

Các bạn hãy yên tâm là ánh sáng đèn flash có thể freeze (đóng băng) hầu hết các khoảnh khắc khi chụp nên cho dù bạn có uống vài ly cà phê vào làm tăng nhịp tim đập ảnh hưởng đến khả năng giữ chắc tay thì dù có chụp ở tốc độ 1/125s vẫn không xảy ra tình trạng nhoè nét do rung tay. Lúc này yếu tố về thông số về cường độ của đèn flash quyết định tất cả.


Canon 5D Mark II + Canon EF 70-200mm/2.8. Chụp tại 78mm f/7.1, 1/160s, ISO 100

Tôi thường xuyên dùng tiêu cự 70mm để chụp những ảnh lấy toàn thân và tiêu cự 135mm trở lên cho những ảnh bán thân và 170~200mm cho những ảnh chân dung cận mặt (head-shot) cũng như chụp ảnh người mẫu (beauty).

Ở f8 với những tấm ảnh chụp người mẫu (beauty), tôi có được kết quả rất xuất sắc trong việc giữ được tất cả những chi tiết về da mặt, lông mi, chân mày … Đôi lúc tôi cảm thấy tấm ảnh nét một cách… quá mức cần thiết trong những trường hợp người mẫu trang điểm không được kỹ làm lộ quá nhiều khuyết điểm trên da mặt khiến công đoạn xử lý hậu kỳ của tôi tốn nhiều thời gian hơn. Nhưng một khi phần trang điểm được chăm chút kỹ lưỡng chỉnh chu thì ống kính 70-200/2.8L cho tôi rất nhiều kết quả tuyệt vời khiến tôi hoàn toàn hài lòng.



Canon 5D Mark II + Canon EF 70-200mm/2.8. Chụp tại 165mm f/7.1, 1/160s, ISO100

Thật ra thì trong nhu cầu chụp ảnh studio, vẫn còn nhiều ống kính khác có thể đáp ứng nhu cầu của bạn chẳng hạn như 50mm để chụp toàn thân, 85mm & 135mm để chụp bán thân & cận mặt… hoặc bạn cũng có thể sử dụng ông kính Canon EF 24-105/4L để thay thế cho ống kính 24-70/2.8L và miễn cưỡng thay thế cho ống kính 70-200/2.8L khi chụp ở 105mm cho những tấm ảnh bán thân và cận mặt nhưng framing của tiêu cự 105mm vẫn không cho kết quả đẹp bằng tiêu cự 200mm cho những ảnh cận mặt. Giải pháp thay thế thì lúc nào cũng có nhưng đối với kinh nghiệm bản thân tôi mà nói thì xét về tính hiệu quả, 2 ống kính Canon 24-70/2.8L và 70-200/2.8L luôn cho tôi những kết quả ưng ý nhất.