cách mặc áo dài làm sao cho đẹp:
1. Kiểu dáng
Áo dài truyền thống của người Việt Nam đơn giản là cổ cao, tay áo dài. Tuy nhiên theo thời gian, kiểu dáng của áo dài ngày càng được cách điệu để phù hợp với thời tiết, hoàn cảnh, vóc dáng người mặc. Cổ áo có thể mất đi thay vào đó là những chiếc cổ tròn hay những kiểu cổ áo lạ mắt, tay áo có thể ngắn hoặc lửng tùy vào sở thích.Tuy nhiên dù cách điệu kiểu dáng thế nào thì áo dài vẫn là trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam và vẫn phải mang nét đẹp tinh tế, kín đáo.
2. Chất vải
Với áo dài thì chất vải là điều cực kì quan trọng. Nên chọn loại vải nhẹ có độ co giãn tốt và không nên mỏng đến nỗi hằn cả đồ nội y bên trong. Các chất liệu vải phù hợp rất nhiều như tơ tằm, phi bóng… nhưng chỉ có silk tổng hợp là thích hợp nhất. Khi chọn vải để may áo dài cách tốt nhất là ngâm vải trong nước qua một đêm để xem sự co rút của vải nhiều hay ít.
2. Màu sắc/họa tiết
Tà áo dài truyền thống Việt Nam là một màu trắng tinh khôi đơn giản họa tiết, hoặc chỉ là những họa tiết truyền thống như lá trúc, hoa mai…Dần dần, màu sắc và họa tiết của áo dài được cách điệu lên để phù hợp với sự phát triển của thời trang cũng như đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng. Đâu đó trên các đấu trường sắc đẹp, tà áo dài được cách điệu với hình chim công, phượng hoàng, trống đồng… cùng những màu sắc rực rỡ hơn, chất liệu vải cao cấp hơn.
Tùy vào trường hợp mà các bạn nên chọn cho mình một bộ áo dài với màu sắc/chất liệu phù hợp. Khi đi làm, các quí cô nên chọn những bộ áo dài họa tiết vừa đủ, nhỏ hoặc in chìm, màu sắc nhã nhặn; không nên quá đơn giản khi chỉ chọn màu trắng không hoặc đơn sắc, hãy nên chọn những tone màu nhẹ nhàng kết hợp với nhau. Khi đi sự kiện,chắc chắn không nên chọn những bộ áo dài quá đỗi đơn giản, thay vào đó, hãy chọn những bộ áo dài chất liệu vải cao cấp như nhung, tơ tằm..họa tiết vừa đủ làm điểm nhấn cho tổng thể bộ đồ.
3. Nội y
Tà áo dài truyền thống của dân tộc tôn vinh nét đẹp dịu dàng, đằm thắm của người con gái Việt Nam, nên các bạn hãy nói không với việc mặc đồ nội y quá nổi, gây phản cảm với người đối diện đồng thời cũng là sự thiếu tôn trọng với truyền thống. Nên chọn tông màu nude cho đồ nội y ôm trọn cơ thể để tránh sự phô trương quá mức cần thiết.
4. Phụ kiện/giày dép
Người con gái xưa khi mặc lên mình tà áo dài thường đi kèm kiềng cổ/vấn đội đầu. Hình ảnh ấy như một nét văn hóa và vẫn còn tồn tại đến bây giờ trong những tiệc cưới. Tuy nhiên nếu đi làm, đi sự kiện, đi tiệc…thì vấn hay kiềng cổ có lẽ như không phù hợp lắm với hoàn cảnh. Thay vào đó, bạn có thể chọn cho mình một bộ trang sức ngọc trai hoặc vừa đủ lấp lánh tone sur tone từ bông tai, dây chuyền đến vòng tay, nhẫn...nó sẽ khiến bạn vừa duyên dáng nhưng cũng vẫn sang trọng và cực kì thu hút trong mắt người đối diện.
Đối với giày dép, tất nhiên bạn sẽ không nên chọn những loại dép kẹp, giày bệt hay những đôi giày hầm hố, vì như thế sẽ làm giảm giá trị của tà áo dài bạn đang mặc. Nếu đi học, đi làm các cô gái hãy chọn một đôi giày 5 phân đơn giản nhưng đủ duyên dáng hợp với nhà trường, nếu đi tiệc hay các sự kiện, các quí cô hãy chọn những đôi giày gót nhọn hay gót vuông,cao từ 5~9cm, dáng thanh mảnh, nhẹ nhàng, những tone màu trầm/trung tính sẽ là sự lựa chọn phù hợp nhất khiến bạn trở nên tinh tế trong tà áo dài.
5. Kiểu tóc
Cũng như giày dép, kiểu tóc phù hợp với áo dài không nên chọn những tạo kiểu quá bụi, cá tính. Các cô gái nên chọn những kiểu tóc búi đơn giản hay những kiểu tết tóc thậm chí chỉ cần buông xõa và làm cho mái tóc bong mượt, gọn gàng cũng đã giúp các bạn ghi điểm.